Cũng như nhiều
đồng bào dân tộc vùng cao khác, người Mông ở Sa Pa vẫn còn lưu giữ nhiều phong
tục tập quán truyền thống, trong đó tang ma là một nghi lễ thể hiện truyền thống,
đạo lý uống nước nhớ nguồn, là sự tri ân giữa người sống với người đã mất.
Khi con người
từ bỏ cõi trần gian để về với tổ tiên, người Mông gọi là "tùa" hay
"ninh tùa" (người chết) là thuận theo quy luật của tự nhiên. Dựa trên
đối tượng và nguyên nhân của người chết mà người Mông có những nghi lễ tổ chức
tang ma khác nhau. Đối với những đứa trẻ chết dưới ba tháng tuổi thì gia đình
không tổ chức lễ tang và khi đưa đi chôn cũng phải đưa qua vách nhà, không được
đưa qua cửa nhà. Bố mẹ có thương con đến mấy cũng không được khóc sợ ma nhà, ma
cửa biết sẽ quở trách gia đình. Còn những trường hợp chết ngoài nhà như: do tai
nạn, tự tử, ngã sông, ngã suối… thì người Mông kiêng không bao giờ mang vào
trong nhà tổ chức lễ tang. Gia đình sẽ dựng một chiếc lán ở ngoài bãi làm địa
điểm tổ chức lễ tang, vì người Mông quan niệm rằng, những người chết ngoài nhà,
phần lớn là do các loại ma ác làm hại, nên khi mang vào nhà sợ con ma này lại
theo vào nhà để làm hại những người khác trong gia đình. Những người chết trẻ,
chết ngoài nhà, chết do tai nạn đều được coi là những cái chết không bình thường,
bởi vậy mà lễ tang cũng được tổ chức gọn nhẹ hơn các lễ tang của người chết
già.
Theo phong tục
truyền thống, lễ tang của người Mông bao gồm rất nhiều nghi lễ khác nhau. Khi
gia đình có người thân qua đời, việc đầu tiên là con cháu sẽ mang súng kíp ra
ngoài nhà bắn ba phát để báo hiệu với bà con trong bản biết là gia đình có người
qua đời. Con cháu, bà con thôn, bản nghe thấy tiếng súng ở khu vực nào sẽ đổ về
gia đình đó để chia buồn, đồng thời xem có việc gì cùng giúp đỡ. Người chết được
con cháu lau mặt, mũi, chân tay, thay quần áo mới cho sạch sẽ trước khi về với
tổ tiên. Theo tập tục của người Mông, khi rửa mặt xong, nước rửa mặt cho người
chết được đem đổ vào gầm giường nằm của người chết, còn mảnh vải rửa mặt được
đem phơi khô để đốt. Sau khi tắm rửa cho người chết xong, họ dùng một chiếc ván
gỗ đem thi thể người chết đặt giữa nhà rồi người con trai trưởng nhanh chóng đi
mời Dở mủ (thầy cúng chỉ đường) về làm lễ "khai kế" đưa đường chỉ lối
cho linh hồn người chết về với tổ tiên. Đây là nghi lễ không thể thiếu được
trong bất cứ đám tang nào của người Mông. Gia đình sẽ chuẩn bị một cây nỏ
"nỉnh", một con dao và một con gà để làm lễ với ý nghĩa con dao là dụng
cụ phát đường, cây nỏ là vũ khí để bảo người chết trên đường đi, con gà là người
chỉ đường. Thầy Dờ mủ làm lễ xong, tiếng trống, tiếng khèn lại tiếp tục thổi
các bài khèn "khai kế" (chỉ đường) để chỉ đường đưa người chết về với
tổ tiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét